Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
63851
 Miền núi Thanh Hóa - tiềm năng, lợi thế

Về tiềm năng và thế mạnh của các huyện miền núi Thanh Hóa, trước hết là sự đa dạng về địa hình, chủ yếu là núi, trung du gắn liền với hệ núi cao Tây Bắc và hệ dãy núi Trường Sơn ở phía Nam có độ cao trung bình 600-700 m. Hệ thống sông suối chảy qua nhiều miền địa hình phức tạp, có tiềm năng phát triển thủy điện. Trong đó, sông Chu và các phụ lưu có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng các nhà máy thủy điện. Miền đồi núi phía Nam có địa hình đồi núi thấp, đất màu mỡ phù hợp cho phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây đặc sản. Nhiều diện tích đất có khả năng phát triển cây lấy gỗ, cây công nghiệp như luồng, bạch đàn, lát, xoan, keo, quế, cao su… Có thể nói, cây luồng đang là thế mạnh với diện tích lớn nhất cả nước khoảng 70.000 ha trồng tập trung, đã cho khai thác.

Nơi đây cũng được biết đến là vùng có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú về chủng loại, chủ yếu là đá vôi (trữ lượng 370 triệu tấn); quặng crôm... Ngoài ra, khoáng sản còn có sét cao nhôm, đá ốp lát, quặng sắt, đá bọt (làm phụ gia xi măng)… Hệ thống núi đá vôi đồ sộ, tạo nên nhiều hang động đẹp, nhiều di sản thiên nhiên kỳ thú như núi đá vôi Pù Luông (huyện Quan Hóa, Bá Thước), Hải Vân (Như Thanh), các dãy núi đá vôi kéo dài ở huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thường Xuân… Các hang động đá vôi với những địa danh nổi tiếng như Hang Ngọc, hang Lò Cao (Như Thanh), suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy)… là điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành du lịch tại địa phương.

11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có nguồn nhân lực; lao động dồi dào, cần cù, có ý chí, nghị lực vươn lên, ham học hỏi, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc.

Bên cạnh đó, giao thông cũng có nhiều thuận lợi. Tuyến đường 15A nối liền khu vực với các huyện phía Bắc và phía Nam; đường 217 sang tỉnh Hủa Phăn (Lào), các tuyến đường ngang như Quốc lộ 47, 45… nối với TP. Thanh Hóa, Quốc lộ 1A và các huyện đồng bằng. Đặc biệt, tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại như là xương sống, là đầu mối giao lưu giữa các huyện trong khu vực cũng như giữa khu vực với các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Kết nối giao thông từ các huyện miền núi đến Cảng Hàng không Thọ Xuân (có đường bay Thanh Hóa - TP.HCM, Thanh Hóa - Buôn Mê Thuột, hiện đang xúc tiến để mở thêm đường bay Thanh Hóa - Đà Nẵng) và đến Cảng nước sâu Nghi Sơn (là cảng biển lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam) tạo cơ hội giao thương, đi lại rất thuận lợi cho các nhà đầu tư, du khách khi đến với tỉnh Thanh Hóa, trong đó có các huyện miền núi.

Cơ chế, chính sách ưu đãi

Theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, hầu hết các huyện miền núi Thanh Hóa đều nằm trong diện ưu đãi thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Có thể nói, địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có tiềm năng vô cùng to lớn. Với các chủ trương chính sách trên, khi đầu tư vào địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đó là những ưu đãi về thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu...

Khi đầu tư vào địa bàn này, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ khác như cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển tiểu - thủ công nghiệp và ngành nghề; chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, xuất khẩu lao động và môi trường trên địa bàn tỉnh...

Thực tế những năm qua cho thấy, các huyện miền núi Thanh Hóa cũng nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng những chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội. Đó là các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (Chương trình 135); các dự án định canh, định cư theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg và 1342/QĐ-TTg hoàn thành những hạng mục công trình đường giao thông, hệ thống điện sinh hoạt, công trình thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt của 2 dự án định canh định cư; Chương trình 134 (Quyết định 1592/QĐ-TTg) đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt...

Về phần địa phương, tỉnh Thanh Hóa cũng luôn xây dựng những chính sách đặc thù nhằm phục vụ cho công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Cụ thể, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra quan điểm, mục tiêu đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người nghèo, hộ nghèo, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực… rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo khu vực miền núi. Qua đó, tập trung xây dựng chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh trên địa bàn miền núi.

Hiện tỉnh Thanh Hóa đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, như đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn theo hướng công khai, minh bạch; thực hiện có hiệu quả cơ chế một phòng, một cửa liên thông, tiết kiệm thời gian, chi phí làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tỉnh tăng cường kiểm tra, rà soát các văn bản, quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý đơn giản, thông thoáng; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhất là tài chính - ngân hàng, viễn thông, thông tin, quản lý hành chính nhà nước...

Thanh Hóa cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư được hưởng những quyền lợi cao nhất, với nghĩa vụ thấp nhất (theo khung chính sách quy định của Chính phủ) khi đầu tư vào các huyện miền núi. Thanh Hóa sẽ luôn đồng hành với các nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện thủ tục và triển khai dự án, hỗ trợ tối đa trong giải quyết thủ tục hành chính với phương châm đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện.

 

Phạm Đăng Quyền (Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)